Khác với khi chơi golf tại các sân golf quen thuộc trong nước, để có một chuyến du đấu hoàn hảo ở nước ngoài, việc chuẩn bị kĩ lưỡng là điều golfer Việt không thể bỏ qua để có một hành trình trọn vẹn và hấp dẫn.
1. Trang thiết bị
Bất kể chơi golf ở đâu, thứ mà mọi golfer phải ưu tiên nghĩ đến chính là bộ gậy golf quen thuộc. Tuy nhiên, khi du đấu tại nước ngoài, điều này trở thành một vấn đề khiến các golfer đau đầu khi cân nhắc điểm ưu và nhược. Dưới đây là một số trường hợp giúp người chơi chọn lựa phương án tối ưu.
-Nếu chuyến đi mang tính trải nghiệm golf bao gồm: chơi ở sân yêu thích, thi đấu… thì việc trang bị gậy đầy đủ sẽ mang lại cảm giác thoải mái, tự tin, không khiến golfer mất thời gian làm quen với 1 bộ gậy mới, điểm số vì thế cũng sẽ tốt hơn. Song, việc bảo quản gậy trong khâu vận chuyển tại sân bay sẽ mang lại một số bất tiện. Cụ thể, golfer sẽ phải tính toán kỹ lưỡng hơn trong việc chọn túi bọc cứng hoặc túi mềm.
-Mặt khác, nếu phần lớn thời gian tại nước ngoài là dành cho việc tham quan, đi công tác… thuê gậy golf tại sân lại là phương án tốt hơn. Nhưng điều này cũng sẽ khiến người chơi gặp trở trại trong quá trình trải nghiệm khi dùng một bộ gậy lạ lẫm.
Ngoài gậy golf, bóng golf cũng là một phần mà golfer không nên bỏ qua bởi chi phí mua bóng tại nước ngoài sẽ đắt đỏ hơn do chênh lệch tỉ giá. Các sân golf đều có các bẫy nước và bụi rậm nên việc mất một số quả bóng golf qua các hố là điều bình thường. Vì vậy, cuộc chơi sẽ thuận tiện hơn khi người chơi chủ động chuẩn bị sẵn 1-2 hộp bóng golf yêu thích.
2. Thể lực
Tương tự như trang thiết bị, thể lực cũng là hành trang mà các golfer cần chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là khi quyết định du đấu ở nước ngoài.
Tại các sân golf tại Mỹ, châu Âu, Nam Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc… hầu như người chơi sẽ không có caddy phục vụ như tại Việt Nam, ngoại trừ những sân golf hạng sang và nếu thế thì giá caddy cũng rất đắt đỏ, thậm chí còn đắt hơn green fee.
Khác với việc thuê caddy trong nước khá đơn giản và hầu hết caddy sẽ phục vụ mọi thứ từ vác gậy, đọc line, nước uống, cào cát… thì khi chơi golf những sân thông thường ở nước ngoài, người chơi phải tự làm mọi thứ như tìm bóng, sửa divot, đặt line... Đây cũng là những điều mà bất cứ golfer nào cũng thấy phiền phức, ngại ngần, nhất là khi tâm trí đang mải mê theo những đường bóng.
Vì vậy, việc có một thể lực tốt sẽ giúp trải nghiệm golf tại nước ngoài của bạn trở nên dễ thở hơn khi phải tự mình làm mọi thứ… kể cả vác gậy.
3. Đặc điểm sân theo từng châu lục
Ở mỗi châu lục khác nhau sẽ có đặc điểm khí hậu riêng biệt. Cụ thể, khi lập kế hoạch du đấu ở khu vực Đông Nam Á thì thời tiết và chi phí là 2 điều người chơi nhất định phải quan tâm. Lý do là ở khu vực này có sự chênh lệch rất lớn về giá giữa “mùa cao điểm” và “mùa thấp điểm”
Về thời tiết sẽ gồm 2 mùa cơ bản: Mùa Khô từ Tháng 11 đến Tháng 4 với bầu trời trong xanh và nhiệt độ vừa phải và mùa Mưa là từ Tháng 5 đến Tháng 10 với các cơn mưa diễn ra thường xuyên hơn. Theo đó, mùa du lịch golf ở châu Á thường trùng với thời điểm mùa khô, kèm theo giá cả tăng vọt.
Theo kinh nghiệm của một số golfer từng trải nghiệm chơi golf tại Thái Lan cho biết, để nắm được thời điểm điều kiện thời tiết tốt và giá cả hợp lý thì phải ghi nhớ những điều sau: Ở thời điểm tháng 6-7-8 (giữa mùa mưa), gió Tây Nam từ Ấn Độ Dương mang lại những đám mây dày cộm trên hầu hết các khu vực. Điều này tạo ra trận mưa lớn nặng hạt vào mỗi buổi chiều, thế nên các golfer nên chọn cách chơi golf vào buổi sáng. Ngoài yếu tố thuận tiện về thời tiết thì đây còn là thời điểm người chơi dễ dàng có được mức giá tốt nhất cho phí green và khách sạn. Bên cạnh đó, sân golf và khách sạn ở giai đoạn trên thường rất ít khách và bạn hoàn toàn có thể chơi golf chỉ trong vòng 4 giờ và nhận được dịch vụ tốt nhất.
Đối với châu Âu, thời điểm từ tháng 12 đến tháng 2 sẽ là mùa lạnh, tuyết rơi khá dày nên sẽ không thích hợp cho việc chơi golf và thường các golfer ở châu lục này sẽ đổ về châu Á. Song, nếu muốn trải nghiệm cảm giác lạ thì việc chơi giữa thời tiết lạnh giá với tuyết rơi trên các fairway cũng không phải ý kiến quá tồi.
4. Chứng nhận Handicap và giờ Tee Time
Đây là hai vấn đề quan trọng mà các golfer cần chú ý vì nhiều sân golf ở nước ngoài có những quy định khá khắt khe.
Về Handicap, theo kinh nghiệm của những người đã từng chơi golf ở các nước Châu Âu thì các sân golf ở đây đều yêu cầu khách du lịch phải có xác nhận về Handicap khi chơi ở sân. Đã có những trường hợp golfer đến sân nhưng không có gì để chứng nhận Handicap nên bên quản lý sân bắt phải đánh hết cả rổ bóng ở sân tập để chứng minh mình có thể chơi được. Chính vì vậy, để tránh mất thời gian, các golfer nên chuẩn bị một bản chứng nhận về Handicap trước khi chơi. Hiện nay, với việc hệ thống VHandicap được chấp nhận ở tất cả các quốc gia, nên sẽ thuận lợi hơn cho những golfer đã có tài khoản trên ứng dụng này. Đến bất kì sân golf nào, các golfer đều có thể sử dụng.
Về tee time, cũng như ở Việt Nam các golfer nên booking trước để chắc chắn có thể chơi. Nhưng lưu ý là nên đến sớm trước giờ tee time vì nếu đến muộn hơn giờ bạn đã đặt chỉ 5 đến 10 phút là bạn có thể sẽ phải ngồi chờ đến khi có giờ tee time tiếp theo mới được ra sân chơi, ngay cả khi sân đang rất vắng khách.
Ngoài những điều cần phải chú ý trên để có một chuyến du đấu như ý, các golfer cũng nên tìm hiểu thêm về văn hoá cũng như quy tắc tại từng quốc gia. Ví dụ cụ thể như tại Nhật Bản - một đất nước nổi tiếng tôn trọng lễ nghi và kỷ luật thì golf còn mang nhiều “điều lệ" hơn. Tại xứ sở hoa anh đào này, họ không công nhận những cú gạt bóng vào vòng gimme, dù là một cú đẩy ở khoảng cách 7cm. Vì thế, nếu chơi tại đây, hãy thực hiện cú đánh cuối cùng vào hố để thể hiện sự tôn trọng.