Tỉnh Quảng Ninh có 6 sân golf nhưng 5 -7 năm tới dự kiến làm tiếp 16 sân golf mới. Tương tự tại Hoà Bình, 5 sân golf đã có chủ trương phê duyệt tuy nhiên sẽ đầu tư 16 sân nữa. Hay như Hà Nam là tỉnh nhỏ thứ 2 ở Việt Nam với diện tích hơn 860km2 cũng quy hoạch thành lập thêm 3 sân golf…
Tại tọa đàm “Đầu tư ngành golf Việt Nam”, chuyên gia nhận định ngành golf Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ, nhu cầu chơi golf tăng cao.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Tiến, Trưởng bộ môn Golf, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội, đánh giá: Chúng ta có sự phát triển rất mạnh từ golf phong trào, không nước nào nhiều câu lạc bộ và giải golf như Việt Nam với hàng nghìn người chơi. Sân golf bây giờ phải lên tới hàng trăm.
Không những thế, TS. Ngô Công Thành, Viện nghiên cứu ISC, nguyên Vụ phó Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Hiện nay Quảng Ninh có 6 sân golf nhưng 5-7 năm tới dự kiến làm tiếp 16 sân golf nữa. Tương tự tại Hoà Bình, 5 sân golf đã có chủ trương phê duyệt tuy nhiên sẽ đầu tư thêm 16 sân vào thời gian tới, tổng cộng tỉnh này có 21 sân golf. Hay như Hà Nam, tỉnh nhỏ thứ 2 ở Việt Nam với diện tích hơn 860km2 cũng quy hoạch thành lập thêm 3 sân golf mới (loại 36-54 lỗ), trong khi địa phương đang có 1 sân golf ở Kim Bảng, như vậy tất cả là 4 sân golf.
“Ngoài ra, một số tỉnh thành khác cũng có quy hoạch xây dựng sân golf, bao gồm: tỉnh Bắc Giang quy hoạch làm 13 sân golf, Thái Nguyên quy hoạch làm 13 sân golf và Hải Dương quy hoạch làm 10 sân golf”, chuyên gia chia sẻ.
Theo TS.Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Một trong những bước tiến lớn của quá trình phát triển golf ở Việt Nam là tư duy về sân golf của lãnh đạo chính quyền, bởi có lãnh đạo từng cho rằng đánh golf lãng phí, mất thời gian… nhưng giờ đây khi đến địa phương, thực tế nhiều doanh nhân nhắc đến golf như một môn thể thao không thể thiếu. Thậm chí, golf còn được coi là một ngành kinh tế vì mang lại hiệu quả tích cực về mặt xã hội, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cũng giúp Việt Nam hội nhập sâu với quốc tế.
Nhớ lại ký ức đầy khó khăn khi mới mở cửa sân golf, TS.Phan Hữu Thắng, chia sẻ: Ngày ấy ở Việt Nam hầu như không ai biết golf là gì. Tới khi nhà đầu tư Thái Lan đưa hồ sơ golf vào, Nhà nước mới lập đoàn công tác sang Thái Lan tìm hiểu về golf. Đặt chân đến Thái Lan, chúng tôi liền được dẫn đến một sân golf để tham khảo rồi mới dần vỡ ra mô hình sân golf. Lúc đó, chúng ta chưa có một sân golf nào, trong khi Thái Lan có 100 sân, thậm chí Mỹ hơn 1.000. Tuy nhiên, sau cuộc khảo sát nước ngoài, chúng ta đã hình thành sân golf Đồng Mô và chỉ 3-5 năm tiếp theo được cấp tới 10 sân golf trên cả nước.
Ông Thắng cho biết Chính phủ sau đó xây dựng hẳn chính sách về phát triển golf. Chính sách này đã tạo điều kiện cho mấy chục sân golf ở địa phương ra đời. Đến thời điểm hiện tại, một doanh nghiệp thậm chí sở hữu 3-4 sân golf mà vẫn còn nhiều khu đất để tiếp tục phát triển.
TS.Phan Hữu Thắng đánh giá tới năm 2030, cả nước có thể đạt 400-500 sân golf. Cơ sở của khả năng này là hiện nay không ít tỉnh thành trên cả nước có quy hoạch sân golf và lộ trình rõ ràng. Tuy nhiên, thời gian tới, nhằm phát triển golf thành ngành kinh tế thì phải nhận thức mới, hành động mới trong việc đầu tư cũng như phát triển sân gofl. “Nhà nước cần một tầm nhìn lớn về quy hoạch để làm sao có một bản đồ golf. Đối với những vùng chưa phát triển, chính quyền nên xây dựng chính sách phù hợp; nếu địa phương vùng sâu vùng xa khi khách đến nhưng chưa có chính sách về sân golf cần có những thủ tục giúp tạo thuận lợi nhất”, ông Thắng nhấn mạnh.