Số lượng sân golf tại Việt Nam đang ngày càng tăng, là một ngành có xu hướng phát triển mạnh với mức lương rất đáng mơ ước, thế nhưng nguồn nhân lực hiện tại đang bị đuối. Hầu hết các sân golf hiện nay vẫn phải tự xoay xở kiếm nhân lực từ các ngành tay trái.
Mức lương hấp dẫn
Theo Tổng cục Thể dục thể thao, hiện nay Việt Nam có 80 sân golf 18 lỗ đang hoạt động. Đến 2025, dự kiến có 200 sân golf 18 lỗ được triển khai. Những sân golf chất lượng cao tại nước ta đều được các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới thiết kế, dựa trên thuận lợi về địa hình tự nhiên làm nên điểm đến rất đặc trưng.
Với 80 sân golf đang hoạt động và hàng chục dự án khác đang được triển khai, vấn đề nhân lực phục vụ trong ngành golf tại Việt Nam hiện tại và trong tương lai đã trở thành một thách thức rất lớn đối với sự phát triển của ngành này. Ngay cả với các quốc gia có môn thể thao golf phát triển từ lâu đời, nhu cầu về nguồn nhân lực trung và cao cấp chưa khi nào giảm. Nhìn về Việt Nam thì nguồn nhân lực đang là bài toán hóc búa đối với các nhà quản lý, những người làm chính sách và cả những người có tâm huyết với ngành golf.
Trung bình một sân golf quy mô 18 lỗ tại Việt Nam với nhiều hạng mục đi kèm sẽ cần từ 400 đến 600 nhân viên làm việc tại nhiều bộ phận khác nhau. Trong đó, có những vị trí quan trọng, ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như uy tín của nhà đầu tư như: tổng quản lý, giám đốc marketing, giám đốc golf, giám đốc bảo dưỡng, chăm sóc mặt sân (course superintendent, maintainance), phụ trách huấn luyện caddy…
Kinh doanh golf nói chung và kinh doanh sân golf nói riêng tại Việt Nam đang trong quá trình phát triển, đến nay mặc dù đã có một vài trường đại học đã đưa bộ môn golf vào đào tạo nhưng các sân chủ yếu phải tự tìm kiếm và đào tạo nhân sự. Với một sân golf hoạt động lâu năm, vấn đề nhân sự có thể giải quyết dễ dàng hơn, dù có thể vẫn xảy ra tình trạng nhảy việc ở các vị trí chủ chốt hoặc nghỉ việc ở các bộ phận cấp thấp hơn. Lý do là họ đã có kế hoạch chuẩn bị đội ngũ kế cận, người đã qua rèn luyện được đôn lên vị trí quản lý hoặc những người đã qua đào tạo tại các trung tâm, trường đại học sẽ được trám vào những vị trí còn khuyết. Trong khi tại những sân golf mới hoạt động, khi bộ máy nhân sự còn chưa ổn định thì vấn đề này thực sự nan giải.
Tìm kiếm được nhân sự cho vị trí chủ chốt nhất đã khó, tìm được người có kinh nghiệm, hòa hợp với cấp dưới và giữ chân được họ lại khó gấp bội, cho dù các chủ doanh nghiệp phải trả những mức lương bổng kèm những chế độ đãi ngộ hậu hĩnh. Theo các số liệu mới nhất được công bố bởi PayScale, một công ty dữ liệu và phần mềm tiền lương, tại Mỹ, hiện mức lương trung bình mỗi năm của một giám đốc quản lý sân golf nằm trong khoảng từ 64.777 USD đến 93.057 USD; trợ lý giám đốc từ 40.099 USD đến 51.923 USD; huấn luyện viên từ 29.834 USD đến 44.145 USD. Mức lương còn tùy thuộc vào trình độ học vấn, chứng chỉ, kỹ năng, số năm làm việc trong nghề. Trong khi đó, mức lương của người quản lý sân golf từ 43.072 USD đến 56.323 USD mỗi năm, quản lý cửa hàng golf có mức lương 44.020 USD.
Tại Việt Nam, theo tìm hiểu thì mức lương của một huấn luyện viên golf trung bình mỗi tháng dao động từ 25 - 30 triệu đồng/tháng; chuyên viên tổ chức sự kiện golf từ 10 - 15 triệu đồng/tháng; chuyên viên quản lý hệ thống sân golf dao động từ 15 -20 triệu đồng/tháng; chuyên viên kinh doanh về sản phẩm golf có mức lương dao động từ 6 – 8 triệu/ tháng , cộng doanh thu từ kết quả kinh doanh dao động khoảng 15 – 20 triệu/tháng; Chuyên viên quản lý dịch vụ du lịch dao động khoảng từ 10 – 15 triệu/ tháng.
Giải pháp nào cho bài toán nhân sự
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển golf với nhiều sự đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch sang trọng. Với tiềm năng phát triển và tốc độ tăng trưởng nhanh, du lịch golf tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và thu hút dòng khách golf cao cấp, với khả năng chi trả cao so với khách quốc tế thông thường. Những giải thưởng, danh hiệu danh giá dành cho golf Việt Nam được xem là nguồn động lực góp phần đưa du lịch Việt Nam nói chung và những điểm đến golf nổi tiếng trong nước nói riêng như: Sân golf The Bluffs Hồ Tràm Strip, Vinpearl Golf Club, FLC Quy Nhơn Golf Course, Laguna Lăng Cô,… phục hồi tích cực sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhân sự cho ngành golf không được quan tâm đúng đắn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của một trong những ngành có lợi nhuận cao, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế đất nước.
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho biết: “Hiện golf tại Việt Nam chỉ ở mức trung bình, thậm chí là dưới trung bình nếu so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Chúng ta cũng chưa có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực golf mà tất cả vẫn phải đi thuê, vay mượn từ nước ngoài. Trong khi golf là một thị trường ngách và rất đẳng cấp nên nhân lực trong ngành này có đặc thù riêng, không lẫn lộn với các loại hình du lịch khác. Thực tế cho thấy, hiện nay nhân sự cao cấp tại Việt Nam trong lĩnh vực golf chưa có”. “Mặc dù chúng ta có mời các chuyên gia, các nhà thiết kế nổi tiếng nước ngoài về xây dựng các sân golf nhưng chúng ta vẫn chưa tạo ra được nội lực để khẳng định vị thế Việt Nam là một điểm đến golf của thế giới”, ông nói.
Cũng theo ông Thuỷ, du lịch golf tại Việt Nam vẫn còn mới mẻ, trong khi tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng lên đột biến, do đó nhu cầu chơi golf cũng khá nhiều. Tuy nhiên, nguồn nhân lực được đào tạo toàn diện và việc ưu tiên nhân lực dành cho “đấu trường” golf này vẫn chưa có. Hiện tại, các sân golf vẫn tự lực cánh sinh là chính, họ tự tuyển dụng nhân sự, tự đào tạo nhân viên để phục vụ cho chính nhu cầu của họ. Vì vậy, nguồn lực dành cho golf vẫn còn bị khiếm khuyết, trong khi nhu cầu của xã hội đang tăng cao, chưa kể các nhà đầu tư đang mở rộng các sân golf tại nhiều địa phương.
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay nước ta chưa có nhiều liên minh về golf, nếu có thì chỉ có một vài hiệp hội hoạt động nhỏ lẻ, chưa thực sự đủ mạnh, đủ tiếng nói để có thể tuyên truyền, quảng bá, định vị chiến lược phát triển của thị trường. Vì thế, ông Thuỷ cho rằng cần phải xây dựng các sản phẩm golf đẳng cấp, thường xuyên tổ chức các sự kiện về golf mang tầm quốc tế và nên có chiến lược bài bản để giới thiệu, quảng bá tới bạn bè quốc tế. Cùng với đó, đẩy mạnh việc đào tạo để có một đội ngũ chuyên gia, từ đó đưa ra các đề xuất chiến lược giúp cho sự phát triển của golf Việt Nam.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), cũng cho biết một trong những thách thức của ngành golf tại Việt Nam hiện nay đó là nguồn nhân lực. Ông Lương đánh giá nhân lực golf còn rất hạn chế. Mặt khác, đặc thù của nhân lực ngành du lịch golf là họ phải có những kỹ năng riêng để phục vụ khách chơi golf, ví dụ như: hướng dẫn khách đánh bóng, tư vấn mặt sân và địa hình, thu nhặt bóng tại hố golf, di chuyển cùng khách suốt vòng chơi trong nhiều giờ... Khi các chủ đầu tư xây dựng các sân golf thì họ cũng đã tính đến các nhân sự này rồi. Thậm chí họ còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng riêng cho nhóm nhân lực trong loại hình du lịch này bởi tính chuyên biệt cao, tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở mức “đủ dùng”.
Cũng theo ông Lương, tình hình thiếu nguồn nhân lực trong du lịch Việt Nam nói chung và du lịch golf nói riêng sau dịch Covid-19 đang là bài toán đau đầu cho hầu hết các doanh nghiệp hiện nay. Bởi, ảnh hưởng Covid-19 khiến cho ngành du lịch phát triển chậm lại, không có khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế. Trong khi các doanh nghiệp nếu muốn giữ chân những nhân sự thạo việc, có trình độ thì phải bỏ tiền lương tri trả cho họ, trong khi lại không có nguồn thu bù đắp vào. Điều này kéo theo là những người này phải đi tìm công việc khác để mưu sinh.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, du lịch golf là loại hình du lịch phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam. Các doanh nghiệp muốn đầu tư vào sân golf, sản phẩm gold là hoàn toàn phù hợp và ít nhiều cũng sẽ nhận được sự “hỗ trợ” từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, để phát triển một cách chuyên nghiệp thì doanh nghiệp cần phải xây dựng được các sản phẩm bổ trợ phục vụ theo nhu cầu của thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chú trọng vào chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực, trong đó tập trung vào chất lượng thay vì số lượng.
Bên cạnh đó, cần có một chương trình đào tạo mang tính thực tế vì golf vẫn là một môi trường lạ lẫm đối với phần đông lao động Việt Nam nói chung. Điều này cần sự hỗ trợ của các sân golf, các tổ chức hoạt động khác liên quan tới golf. Điều quan trọng nữa là những cơ sở đào tạo phải nghiêm túc trong việc xây dựng một chương trình có chất lượng. Việc đưa các chương trình đào tạo golf vào trong một số trường đại học tại Việt Nam cũng là một bức tranh sáng. Nhưng trước mắt, việc đào tạo nhân lực cho ngành golf tại Việt Nam cần được thực hiển bởi chính những sân golf, đơn vị điều hành và các hội/câu lạc bộ.
Ông Phạm Thành Trí, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch golf Việt Nam, cũng khẳng định nguồn nhân lực du lịch golf chưa được đào tạo nhiều và không có chất lượng cao. Với tình hình trên, ông Trí cho biết Hiệp hội du lịch golf Việt Nam đang làm việc với các trường Đại học đào tạo du lịch hàng đầu Việt Nam như: Viện Đại học mở, Đại học Văn hóa, Đại học Kinh tế Quốc dân để đào tạo chuyên sâu về du lịch golf (giống như trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh đang đào tạo ngành golf chính quy).
“Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã cho phép đào tạo Cử nhân thực hành và Trung cấp Kỹ thuật viên golf và Du lịch golf từ tháng 12/2020 với mục đích nâng cao về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực golf để phục vụ du khách. Dù còn nhiều hạn chế về nguồn nhân lực nhưng với những định hướng, giải pháp cụ thể nêu trên không chỉ giúp các câu lạc bộ sân golf có thêm sự hỗ trợ và học hỏi kinh nghiệm từ những nước có trình độ golf phát triển, mà còn góp phần vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó nâng cao vị thế và uy tín của golf Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Trí cho hay.