Sau thời gian sử dụng nhất định, người chơi nên kiểm tra nhanh các trang, thiết bị có trong túi gậy để xem chúng đã đến mức cần mang đi sửa chữa hay thay mới.
Dù golf không phải môn thể thao có tính đối kháng, va chạm nhưng một số thói quen không tốt rất dễ làm gậy hư hại nhanh chóng: Không làm sạch bùn đất, bụi bẩn, đánh trúng vật cứng, bố trí gậy lộn xộn gây va đập trong quá trình di chuyển.
Bên cạnh đó, việc cất giữ lúc không sử dụng ở những nơi ẩm ướt, tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời, nhiệt độ cao hoặc để nguyên trong cốp xe cũng góp phần giảm tuổi thọ của gậy golf. Cùng với thời gian, khi “bộ công cụ lao động” gặp những dấu hiệu sau đây, golfer nên tự sửa chữa hoặc đến các trung tâm chuyên môn về gậy.
Grip gậy bị mòn
Nếu có cảm giác trơn trượt khi cầm gậy, trên grip (vỏ bọc đầu cán gậy) xuất hiện vết mòn, nứt thì đã đến lúc cần thay grip mới. Người chơi có thể tự thực hiện thao tác này tại nhà mà không tốn quá nhiều thời gian. Đây cũng là cơ hội để thử nghiệm những loại grip kích cỡ khác nhau nếu trước đó, golfer cảm thấy không thoải mái trong quá trình thực hiện cú đánh.
Rãnh mặt gậy sắt và gậy wedge bị mòn, phong hóa
Có sự khác biệt lớn về góc phóng, độ xoáy của bóng giữa những cây gậy sắt, gậy wedge thường xuyên sử dụng (trên 100 vòng đấu) với cây gậy mới. Nếu không tạo sự xoáy và điều khiển cú đánh như mong muốn, còn rãnh gậy bị mòn, golfer nên cân nhắc việc thay gậy.
Cán gậy cong, nứt hay rỉ sét
Tình trạng này có thể xảy ra khi golfer bảo quản gậy không tốt (nước ăn mòn và ôxi hóa ở bên trong shaft). Ngoài ra, phần gắn kết giữa cán và đầu gậy cũng có khả năng bị gãy, nhất là với cán bằng chất liệu graphite.
Đầu gậy bị lõm, nứt
Việc đầu gậy bị lõm, nứt không hiếm với các đấu thủ nhà nghề, và bạn cũng vậy. Hãy giành thời gian để kiểm tra xem cây driver, woods và hybrid của bạn có bất kỳ vết nứt, lõm nào nhận biết được bằng mắt thường; sự thay đổi trong hiệu suất, âm thanh chạm bóng khi swing và không tạo ra khoảng cách/độ chính xác như trước. Nếu có, đã đến lúc cần thay mới gậy.