Là thị trường ngách, nhưng golf tour lại như “thỏi nam châm” hấp dẫn dòng du khách có sức chi trả cao, lưu trú dài ngày và còn rất nhiều dư địa phát triển. Bởi thế, đây được xem là “chìa khóa” để du lịch Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình.
Giá trị do ngành công nghiệp golf tạo ra ngày càng lớn
Golf không đơn thuần là môn thể thao cao cấp, mà đã phát triển thành văn hóa golf với chuỗi ngành văn hóa liên ngành, đa lĩnh vực. Giá trị do ngành công nghiệp golf tạo ra chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng sản phẩm quốc dân và ngành này liên quan đến hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội.
Đơn cử, thiết bị golf có gậy, bóng, tees, nhãn bóng... Thời trang golf có quần áo nam/nữ, giày, tất, mũ, khăn, găng tay, ô, kính râm, sản phẩm chăm sóc da... Cơ sở vật chất và thiết bị sân golf có xe phục vụ chơi golf, hạt giống cỏ, máy làm cỏ, thiết bị tưới và thoát nước, cơ sở vật chất và thiết bị sân tập, máy rửa bóng/nhặt bóng, máy tái chế, thiết bị thực hành mô phỏng và máy phân tích cú swing... Đó là chưa kể đến lĩnh vực bảo trì sân golf, bất động sản golf, đào tạo nhân sự cho ngành golf.
Kinh tế phát triển nên thời gian gần đây, lượng người yêu thích chơi golf ngày càng tăng. Theo Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), trên cả nước hiện có hơn 100.000 người chơi golf (golfer) và con số này đang tăng 10% mỗi năm.
Với gần 80 sân golf có thể hoạt động 4 mùa, Việt Nam đã trở thành điểm hấp dẫn du khách chơi golf, nhất là khách từ các thị trường có mức chi tiêu cao. Đặc biệt, vào mùa đông, khách từ các thị trường xứ lạnh có tuyết rơi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Âu, Đông Âu… được đến Việt Nam để sải bước trên những thảm cỏ xanh mướt, cùng nhau so gậy sẽ thật tuyệt vời.
Các tour du lịch golf có thể thu hút khách doanh nhân có khả năng chi tiêu cao. Từ đó, giải quyết hiệu quả vấn đề nguồn khách, cải thiện tỷ lệ sử dụng sân, tăng thu nhập và thúc đẩy sự phát triển của du lịch địa phương, hoạt động kinh doanh ăn uống và các hoạt động liên quan khác của nền kinh tế. Hơn thế, không ít du khách golf từ nước ngoài đã trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu của R&A và Sport Marketing Surveys, từ năm 2016 đến nay, số người chơi golf trên toàn thế giới đã tăng hơn 5,5 triệu người, nâng tổng số người chơi golf lên 66,6 triệu người. Các khu vực có mức tăng nhiều nhất là châu Á (từ 20,9 triệu người, lên 23,3 triệu người); châu Âu (từ 7,9 triệu người lên 10,6 triệu người); Bắc Mỹ (từ 29,9 triệu người lên 30,6 triệu người). Đây cũng chính là những thị trường du khách quốc tế trọng điểm của Việt Nam.
Báo cáo mới nhất về thị trường du lịch golf toàn cầu 2023 của Research and Markets cho biết, thị trường du lịch golf toàn cầu đã tăng từ 4,93 tỷ USD vào năm 2022 lên 4,76 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến tăng lên 6,07 tỷ USD vào năm 2027, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 23,1%. Những con số này cực kỳ ấn tượng và rất đáng mơ ước với bất kỳ ngành kinh tế nào.
Các chuyên gia nhận định, với Việt Nam, ngành golf nói chung và golf tour nói riêng dường như mới chỉ bắt đầu. Trong tương lai, các ngành công nghiệp liên quan đến golf là một tổ hợp các ngành công nghiệp toàn diện khổng lồ có thể giúp ngành kinh tế xanh thoát “bẫy” thu nhập trung bình.
Thuế tiêu thụ đặc biệt “trói buộc” kinh tế golf
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định: “Việc phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf là một trong những định hướng trọng tâm trong phát triển của ngành du lịch Việt Nam”.
Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, golf tour vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thiếu sức cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực. Nguyên nhân chính là do chính sách dành cho golf vẫn còn nhiều điểm khắt khe, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt đang “kìm nén” ngành công nghiệp có khả năng mang về doanh thu “khủng” này.
Theo Thông tư số 195/2015/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, các dịch vụ kinh doanh golf phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 20%. Đáng chú ý, mức thuế này cao hơn cả thuế tiêu thụ đặc biệt cho dịch vụ kinh doanh xổ số (15%) và một số lĩnh vực khác.
Thời gian qua, có rất nhiều kiến nghị về việc gỡ bỏ hoặc điều chỉnh mức thuế hợp lý hơn cho dịch vụ kinh doanh golf để phù hợp với nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Đơn cử, tại Hội thảo Hải Phòng - điểm đến du lịch golf tổ chức vào tháng 8/2023, các chuyên gia đề xuất miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho dịch vụ kinh doanh golf xuống 5 - 7%. Tỉnh Quảng Nam cũng có kiến nghị gửi các bộ, ngành xem xét bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ golf.
Theo ông Vũ Thế Bình, để thu hút khách chi trả cao đến Việt Nam và để Việt Nam trở thành điểm đến của thị trường khách du lịch cao cấp, Nhà nước cần xem xét miễn hoặc giảm thuế từ 20% xuống 10% hoặc 5% cho dịch vụ kinh doanh golf phục vụ du khách đến Việt Nam đánh golf.
“Golf chỉ là môn thể thao nhưng đã trở thành sản phẩm du lịch hết sức quan trọng và số lượng khách đến Việt Nam đánh golf ngày càng đông. Năm 2019, trong 5 triệu lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam, có hơn 1 triệu lượt khách đến đánh golf. Với lượng khách đó, thì chi phí để trả cho Việt Nam cũng từ 2 đến 3 tỷ USD. Việc giảm thuế sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của golf tour Việt Nam so với các nước lân cận”, ông Bình phân tích.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG chia sẻ, Việt Nam đã được thế giới công nhận là diểm du lịch chơi golf tốt nhất châu Á và thế giới. Do đó, cần có nhiều giải pháp tập trung hơn vào việc thu hút nhóm khách quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày.
Ông Lê Kiên Thành, Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt cao đang “trói buộc” sự phát triển ngành công nghiệp golf nói chung, golf tour nói riêng. “Hiện nay, giá chơi golf thường ngày ở Thái Lan, Malaysia là 1,2 triệu đồng, nhưng ở Việt Nam là 2 triệu đồng, do cộng thêm 20% thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này khiến ngành golf Việt Nam chưa thể phát triển xứng tầm”, ông Thành phân tích.
Cũng theo ông Thành, hiện golf không còn là môn thể thao “quý tộc”, mà đã trở thành môn thể thao đại chúng hơn. Nhiều nước có cả sân golf công cộng, hoàn toàn miễn phí cho người chơi. Golf không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe, mà còn tạo nên cả một “hệ sinh thái” gồm nhiều hoạt động kinh doanh liên quan như sản xuất, thời trang, nhà hàng, khách sạn… Do đó, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho golf sẽ là bước đệm quan trọng tiếp theo để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế golf. Nhà nước sẽ thu được nhiều lợi ích hơn về kinh tế so với việc “gõ” thuế tiêu thụ đặc biệt lên các sân golf như hiện nay.